04 bài học giá trị từ chuyến solo đầu đời
"Qua lăng kính của sự quan sát, điều bình thường trở nên phi thường.”
Mình vừa trở về sau chuyến đi tự túc từ Đà Nẵng - Huế. 100 cây số, bạn nghe có vẻ gần và chẳng có gì to tát phải không? Nhưng với mình lại rất đặc biệt và đáng giá. Vì đó giờ mình chưa từng đi đâu một mình. Trước giờ những chuyến du lịch của mình luôn có người thân, bạn bè đi cùng, nên mình chẳng lo lắng gì nhiều vì luôn được ở trong vùng an toàn.
Lần này, chỉ một mình mình đi vì mục đích cá nhân: Mình đi gặp 2 anh chị Mentor - quý nhân của cuộc đời mình. Và tiện thể mình đi thư giãn, làm mới cuộc sống, suy nghĩ về hướng đi tiếp theo của mình như thế nào. Vì dạo này mình có cố nghĩ, cố lên kế hoạch nhưng không được gì.
Ông cha ta đã dạy:
Đi một ngày đàng, học một sàng khôn.
Mình đi rồi, mình mới thấy được nhiều điều mới toanh, và mình làm những điều mới toanh. Mà mình lại là một đứa để ý từng tiểu tiết nhỏ đề gom góp, nhặt nhạnh ra bài học cho riêng mình. Vậy thì sau đây là 04 bài học giá trị từ chuyến solo đi thành phố Huế đầu đời của mình.
Bài học 01: Lên một chuyến xe, bạn sẽ phải xác nhận chuyến đó có chở mình đến nơi mình cần đến hay không
Mình di chuyển từ Đà Nẵng - Huế bằng xe Limousine. Trong cùng chuyến đi với mình, có mình và một bạn nam nữa là người Việt, còn lại là người nước ngoài. Mình quan sát thấy điểm chung giữa mình và bạn người Việt ấy, đó là chúng mình “tót” lên xe và “an vị” luôn.
Còn những người nước ngoài trên cùng chuyến xe với mình, điểm khác biệt ở họ đó là họ đứng chờ tài xế xác nhận cho bằng được đây đúng là chuyến xe họ cần lên, đây là chuyến xe sẽ chở họ đến nơi cần đến, thì họ mới đồng ý và an tâm ngồi lên xe.
Theo mình nghĩ, vì chúng mình là người Việt, chúng mình đã xác nhận từ Fanpage của dịch vụ, cũng như trước lúc lên xe tài xế đã gọi điện và thông báo với chúng mình về chuyến đi nên chúng mình đã nắm rõ mà không cần xác nhận thêm. Còn những người nước ngoài kia, họ vì rào cản ngôn ngữ nên họ sẽ cần phải xác nhận lại.
Tuy nhiên, mình nghĩ đây sẽ là thói quen đáng để mình tham khảo và học hỏi. Vì vậy xuyên suốt những chuyến xe tiếp theo của mình, mình đều luôn xác nhận một lần nữa với tài xế:
Đây có phải là chuyến xe chở tôi đến nơi tôi cần đến hay không?
Bài học 02: Đừng “overshare” với người lạ. Ranh giới giữa thân thiện và tiết lộ quá nhiều thông tin nó quá mong manh!
Lại là câu chuyện về những chuyến xe, mình đã có trải nghiệm không tích cực với đa số anh Grab Bike mình đặt tại Huế. Mình là một đứa khá thân thiện và mình khá tôn trọng công việc của các anh Grab đang làm. Nên mình thích trò chuyện qua lại để chuyến đi sẽ vui vẻ và tích cực hơn.
Nhưng mình trò chuyện một lúc cho đến khi mình chợt nhận ra mình đã chia sẻ quá mức rồi. Họ biết mình đi một mình, họ biết mình ở đâu, mình đi đâu làm gì, mình có bạn bè ở đây hay không, thậm chí họ còn hỏi mình có người yêu hay không…
Lúc ấy, mình ngay lập tức “phanh” bản thân lại, và ra cái vẻ lạnh lùng, kiệm lời hơn một chút. Mình nhận ra cái ranh giới giữa thân thiện và tiết lộ quá nhiều thông tin nó quá mong manh. Bởi vì mình đi một mình nên mình sẽ càng phải đề phòng, bảo vệ tính mạng và sự an toàn của bản thân là trên hết.
Thậm chí, có người tài khiến mình cảm thấy không thoải mái và bực mình đến mức mình để họ tự độc thoại một mình và tự nhận ra họ đang làm mình khó chịu. May thay vẫn có những anh tài đã cho mình trải nghiệm dịch vụ khá tốt, nên mình sẵn sàng tips đến các anh như lời cảm ơn.
Mình nhận ra ở đâu cũng có người này, người kia. Không phải ai cũng đáng để nhận được sự thân thiện, sởi lởi và tử tế từ mình. Mình sẽ phải cứng cỏi nói không hơn, phải đề phòng hơn vì mình đang đi một mình. Dù gì thì tính mạng vẫn là trên hết. Vậy nên:
Đừng “overshare” với người lạ. Ranh giới giữa thân thiện và tiết lộ quá nhiều thông tin nó quá mong manh!
Bài học 03: Đi solo cần có năng lực đối diện với các vấn đề và năng lực giải quyết vấn đề
Một ngày, một người phải đứng trước rất nhiều quyết định. Khi bạn đến một nơi mới toanh, làm những điều mới toanh, bạn không thể tránh khỏi việc đối mặt với rất những khó khăn mới, vấn đề mới. Và bạn sẽ phải có năng lực đưa ra quyết định để giải quyết những vấn đề đó. Từ vấn đề nhỏ nhất cho đến lớn nhất.
Bản thân mình ở chuyến đi lần này, đã phải đứng trước rất nhiều vấn đề và quyết định. Mà không ai trợ giúp mình trừ bản thân mình.
Bắt Grab hay thuê xe máy tự túc?
Vào mấy giờ, mình sẽ đi đâu, làm gì?
Thuê xe về lúc mấy giờ, họ sẽ đón mình ở đâu?…
Một đứa rất thiếu quyết đoán như mình, buộc phải đứng ở thế phải đưa ra sự lựa chọn, và phải chịu trách nhiệm với những sự lựa chọn của mình. Nhưng nhờ vậy, mình đi về mình tự cảm thấy bản thân đã cải thiện hơn rất nhiều ở tính quyết đoán và đâu đó thêm phần nghiêm túc và có trách nhiệm hơn với những gì xảy đến trong đời mình.
Mình từng đọc được trong sách thế này:
Nếu bạn không thể chủ động đưa ra quyết định, thì một ai đó khác sẽ quyết định thay cho bạn, lúc đó bạn sẽ không còn quyền được lựa chọn nữa. Hay nói cách khác, không đưa ra quyết định, bản thân nó cũng chính là một quyết định. Vì vậy cho dù thế nào bạn cũng phải chấp nhận với kết quả đó.
Bài học 04: Khả năng quan sát
Trong Podcast The Tri Way mình thường nghe dạo gần đây. Host - anh Trí bảo anh là một người có khả năng quan sát và để ý rất tốt.
Mình cũng thường rèn luyện và hình thành cho bản thân thói quen như vậy. Thay vì để mọi thứ lướt qua một cách phiêu lãng như thế, thì rất uổng phí. Mình thích để ý nhiều hơn, vì mình tin sẽ đâu đó sẽ có bài học, hay những nhận biết mới mẻ, hay ho cho mình.
Chuyến đi lần này, mình đã quan sát và nhận biết được khá nhiều điều hay ở thành phố Huế, và văn hóa nơi đây:
Văn hóa tập thể dục thể thao ở Huế rất phát triển, và người dân sống lành mạnh: bơi lội, chạy bộ, đi bộ, v.v
Văn hóa tụ tập nói chuyện ở công viên vào ban đêm, văn hóa đi chơi khuya, văn hóa đi uống cafe vào giờ khuya, cho đến sáng.
…
Mỗi lần phát hiện điều gì mới, so với những gì mình từng biết, mình lại đều “ồ, à” lên trong sự phấn khởi và hào hứng.
"Through the lens of observation, the ordinary becomes extraordinary.”
Tạm dịch: "Qua lăng kính của sự quan sát, điều bình thường trở nên phi thường.” - Khuyết danh
Vậy nên, nếu thấy thói quen này bổ ích và đáng để thử áp dụng, từ nay bạn có thể tập thói quen quan sát và tiếp nhận thông tin, không phải để phán xét, mà để học hỏi những điều hay, điều mới mẻ.
Lời cuối
Mình thấy bản thân đã đạt được mục đích và thực sự trọn vẹn, mĩ mãn với chuyến solo đầu đời của mình. Mình đi về thấy bản thân thay đổi hơn: Mạnh mẽ hơn, sáng tỏ hơn, kiên cường hơn, có trách nhiệm hơn.
Nếu có cơ hội, mình nghĩ bạn cũng nên trải nghiệm việc đi solo một hoặc nhiều lần trong đời. Việc này thực sự sẽ thay đổi nhiều ở nơi bạn về tính cách, tư duy, thái độ, hành động… Bởi lẽ, bạn đi một ngày đàng, bạn sẽ học được cả một sàng khôn!
Bạn đang đọc bản tin của Quỳnh Thy - nơi lưu trữ những suy tư chất lượng của một người trẻ đang theo đuổi đại học cá nhân.
Mình đem đến những chiêm nghiệm, đúc rút cá nhân trên hành trình phát triển của chính mình, giúp bạn có thêm những góc nhìn, bài học cho riêng bạn.
Bạn đã sẵn sàng đồng hành cùng Quỳnh Thy chưa?
Nếu bạn là người mới, bạn có thể tìm lại toàn bộ bài viết cũ tại đây.
Nếu bạn muốn kết nối thêm, bạn có thể ghé thăm mình tại các trang mạng xã hội khác.
Nếu bạn có bất kỳ chia sẻ nào khác hay liên hệ hợp tác, bạn có thể gửi thư cho mình tại địa chỉ famquynhthy@gmail.com
Cảm ơn bạn đã ghé thăm!